Trang Hân Blog

ĐI XA KHÔNG NHỚ NHÀ

Nhận một dự án xa thành phố.

Ở văn phòng. Ghi số vé máy bay lên phía sau chứng minh nhân dân. Xếp laptop vào túi.

Về nhà. Thu xếp hành lý.

… Ba ơi, mai mẹ đi đó nhen.

… Alo, ngọai hả. Hân đi công tác. Thứ bảy ngọai qua hổng có Hân ở nhà rồi. Đi hai cái thứ bảy nha ngọai.

… Buzz! con trai ơi, mai má đi công tác nhen. Chờ xem clip ha.

Thế là đủ để ra sân bay. Một cách nhẹ nhàng.

Hành lý gọn gàng vì không còn đủ sức khệ nệ.

Tâm trạng nhẹ nhàng vì tâm đã an.

Mọi việc để lại Sài gòn. Người thân để lại Sài gòn. Những thói quen hàng ngày để lại Sài gòn. Thằng con trai thì vẫn để lại nơi xứ sương mù và gió.

Má có ở Sài gòn, con vẫn phải cặm cụi tự nấu ăn cho mình. Má có ở Sài gòn, con vẫn tự dọn dẹp cái ổ dê cho mình (hehe). “Má cứ đi vui nhen”.

Nhớ ngày nào, bày đặt chảnh chọe với hai cha con: Đi máy bay hòai chán quá! Ở khách sạn xịn hòai ngán quá!

Hai cha con ôm bụng, cười ha ha. Quá quen với bà mẹ khóai chảnh (hu hu), hay nổi cơn bất tử (hic hic), lại còn sến sền sệt (hi hi, cái này đúng). “Lạ gì má nữa ba, cho má chảnh chút đi!”.

Nhớ ngày nào kể tụi bạn trẻ nghe: A, a. Chị đi mấy tuần về, cái sóng chén vẫn úp chén, dĩa như hồi chị đi. Ổng ăn cơm ở đâu đó em ơi. Xong, lại tội nghiệp: Ừ, chẳng lẻ bắt ổng nấu một mình, rồi ăn một mình!

Em Khoa bày: “Trước khi đi, chị rạch một đường trên cục xà bông. Coi ảnh có rửa tay không nhen”. Á, em ơi. Chị về, thấy một cục xà bông mới. Kế họach thử chồng dơ, chồng sạch thất bại!

Nhớ ngày nào, mấy bạn trẻ Hanoi Hotel dụ: “Chị ơi, chị ở lại support thêm cho tụi em đi. Tụi em sẽ cử hai bạn nữ xinh đẹp, hai mươi mí tuổi vô chăm sóc anh. Hai bạn gộp lại là bằng tuổi chị luôn nhé”. (Trời trời, chị mà gật đầu là ổng khóai lắm á).

Nhớ những dự án xa nhà đầu tiên.

Đà lạt 2005. Để mặc một Đà lạt mơ màng sương ngòai ô cửa sổ khách sạn. Đếm từng ngày để đến thứ bảy bay về Sài gòn. Còn chợ búa cho cả tuần sau.

Vũng Tàu 2006. Để mặc rừng dương, bãi cát, ghềnh đá, khuất sau cánh tàu cao tốc đi về mỗi ngày. Không có má sao được, nhà cửa bê bối, cha con bê bối. (Má tưởng tượng vậy!).

Nhớ thời Aden, chồng còn dại, con còn nhỏ, lơ hết những chuyến đi xa. Giao cho Phương đi Hà Nội kiểm tra sổ sách. Kéo Yến vào Sài gòn training. Làm lơ mỗi khi Xavier nhắc: “Mày phải ra ngó ngàng Operations Hà nội chứ madame Hân”.

Ngày Jou còn nhỏ. Ba Nam đi Hàn Quốc cả tháng. Cái áo thun của ba, má để nguyên xi, không giặt (ái da, chua lè!), Má giả bộ nói: để tối dỗ Jou ngủ cho dễ. Má ké!

Vậy nên, hiểu được các bạn trẻ.

Kim Thư hàng ngọc bội, nữ kiệt có một khó có hai; xa nhà, treo status Nhớ Nhà (một)! Nhớ Chồng (mười)!

Thúy Hằng, cánh mỏng vai gầy gánh việc lớn, bôn ba từ nhỏ, lớn vẫn bôn ba, lẻ loi cuối tuần xứ Bắc, gọi chị ra đây với em đi.

Kim Liên, nhiệt huyết nghề ngùn ngụt, còn chưa thỏa chí tang bồng, vì có một cu Sun bé bỏng, cần bàn tay tiên của mẹ Liên chăm bẵm.

Nhất dương chỉ Văn Miếu Quốc Thông, sư phụ hàng hàng đệ tử chân truyền; một ngày cuối đông, rời sân chơi vì không muốn cuộc sống gia đình sẽ chông chênh theo những chuyến bay.

Vũ Thành, hô phong hóan vũ, lẫy lừng một cõi Sun 5, dừng chân giang hồ vì hiểu lòng vợ trẻ bên nhà chồng, thương con nhỏ nhà vắng cha.

Đức Hiền năm tháng bôn ba hồ hải, dọc ngang bốn bể anh tài; siêu sao vẫn canh cánh nỗi cha già lâm bệnh, nỗi cánh Phượng xinh lẻ loi mình gánh lo toan.

Trọng Khoa không mỏi cánh chim đại bàng Tây Nguyên, bỗng quay quắt thèm nghe mùi sữa thơm trên má bé Ken đêm buông trời xứ tháp.

Thương Bạch mã Hòang (tử) Anh để lại công chúa NinoMax vò võ  từ sau tuần trăng mật thùy dương.

Thành ra, khi chọn site VMS: Mấy đứa chọn hết đi. Chỗ nào chê cho chị.

Bầy em nhỏ thiệt tình ngoan: Nha Trang, Đà nẵng, Huế, Cần thơ, Đà lạt, hổng ai nỡ cãi lời chị. Chị già đành quảy gánh xuống xứ ếch nhái òam ọap kêu mỗi chiều trời xám màu hoàng hôn.

Thế là đi Vị Thanh-Hậu Giang.

Thế là biết dòng kênh Xáng Xà no, cái tên rặt mùi thời Khẩn Hoang Nam Bộ của Sơn Nam.

Thế là biết mùi tô cháo quãng (dấu ngã nhen, chép y chang trên menu): tôm, gan, tim, phèo, phổi. Thế là mỗi chiều chui vô nhà bếp khách sạn: Hôm nay bếp em có nguyên liệu gì? Vậy nấu cho chị món này, món này nhen. Thế là ngồi ăn một mình trong nhà hàng của nhà khách lớn nhất Vị Thanh, vừa lén thò tay gãi rột rột vì muỗi miền Tây cắn dữ quá (xài chữ dân dã cho đã tai nghen).

Thế là biết, mỗi nhà ở quê, có một cái cầu bắc qua rạch làm ngõ vào nhà.

Thế là leo lên xe ôm miệt vườn. Nghe anh tài kể chuyện: “Cả xóm, con gái tòan đi lấy chồng nước ngòai. Khách sạn này là chỗ mấy ổng ở chờ lấy vợ, đó cô Hai”. Dạ, con thứ Tư, chú Sáu ơi (he he).

Thế là khám phá một điều chưa thấy ai nói ra: Hậu Giang có hủ tiếu, không có bún riêu, Hà nội có bún riêu, không có hủ tiếu.

Thế là mãi nhớ: “Em tên Gh…iên, chị. Gờ Yên G..iên”. (Viết sao ta?). Thấy mặt chị thộn ra, em bèn nói thêm: “Sầu Gh…iêng đó chị”. Cái chữ R, em gái nói thành G, nghe sao mà  hiền hòa; thương ơi quê Hậu Giang!

Thế là có dịp ngồi trong một không gian xe đò Mai Linh, đặc sệt miền Nam. Những khuôn mặt chất phác, những giọng nói mộc mạc, những chữ và nghĩa dung dị.

Và thế là, trên chuyến xe xuôi Nam, có dịp nghe đã đời, thấm đẫm tâm tư, bơi miệt mài trong dòng nhạc sến: Có lẽ tôi nghèo nên người ta mới phụ tình. Có lẽ tôi nghèo sao trớ trêu hỡi trời xanh. Con đừơng tình mong manh đã dành sẵn cho mình… Nên giờ cam đành lẻ loi. Á á á! đúng hệ má rồi Jou ơi (bùm! bùm! bà mẹ sến hiện nguyên hình!).

Nghe nhạc sến để hiểu đời nhiều tâm sự. Nghe nhạc sến để nhìn người bao dung.

Xuôi Nam. Ngược Bắc. Chuyến đi nào cũng thú vị. Thú vị ở tâm cảm. Thú vị ở mắt nhìn. Thú vị ở tai nghe. Thú vị khi được trải lòng với người, với cảnh, với hồn thiên nhiên, với dấu xưa lịch sử.

Từ bao giờ, tâm an trong mỗi chuyến đi xa?

Đi xa, là những khỏang lặng để tâm hồn được nuôi dưỡng nồng nàn tình yêu với người thân, với chốn cũ.

Đi xa, là những khỏang đầy để từ từ hiểu ra câu nói rất nhân bản này: Không có gì thuộc về con người mà lại xa lạ với tôi. (Nhớ câu này mà chưa tìm ra nguồn. Để tìm).

Mỗi lần bước nhẹ nhàng vào một chuyến đi, nhớ con trai đã tìm cách an ủi khi lần đầu má đối mặt với một chuyến công tác dài: “Hay là, má coi má giống như con, đi học xa đi há”.

Từ đó, tâm đã an trong mỗi chuyến đi.

Từ đó, tâm bắt đầu hứng khởi trong mỗi chuyến đi.

Từ đó, má nhận ra con trai đã biết cách xõai cánh bay một mình. Dù cao hay thấp, dù xa hay gần, con đã bay bằng Đôi Cánh Của Con.

Khi má đi xa, đã biết, không-nên-ôm- nỗi-nhớ-nhà. Cám ơn con trai!

4 comments on “ĐI XA KHÔNG NHỚ NHÀ

  1. 007
    May 28, 2011

    tat ca anh tai deu o day, ai cung nho nha….co mama nay di xa nhu di hoc, nho con trai nhieu hon con trai nho mama….. hehehhe

  2. Vuong
    June 6, 2011

    Không có gì thuộc về con người mà lại xa lạ với tôi

    câu này hình như của Marx trả lời con gái đó chị.

  3. ToHong
    October 24, 2012

    Tìm ra cho bồ rồi nè: câu đó là của Terence
    http://en.wikipedia.org/wiki/Terence

    Baì blog này … hợp ý tui ghê
    Làm ngồi ì một chỗ hoaì thì lại muốn đi xa
    Đi rồi đêm nằm cheò queo trong hotel lại nhớ nhà.

    Dụ dỗ Ychi: học nha đi con, kiếm tiền dễ, lại không phải “dưới trướng” thằng nào (cùng lắm là thằng … chồng thôi).

    Ychi nói: nha sĩ ngồi một chỗ … ê mông lắm mẹ ơi !!!
    Trong mắt con trẻ bây giờ đang một bầu trời mở rộng: London, Paris, New York, America

    Ước gì nó vẫn còn 7,8 tuổi 🙂 Qua đường vẫn nắm tay mẹ cứng ngắc dù đèn cho ngươì đi bộ vẫn đang xanh.

    • hanvtt1102
      October 25, 2012

      Hồi xưa, Hân cũng ước hoài, mà không được.
      Nên thôi, tống Joujou đi qua tuốt luốt bên Anh luôn. Hehe.
      Giờ, ở tuổi 50 mà vẫn bay nhảy tự do, hai cha con ở nhà tự lo 🙂 🙂 🙂

Leave a comment

Information

This entry was posted on May 27, 2011 by in Uncategorized.